Cha mẹ nên kiểm soát con dùng điện thoại, tivi một cách thông minh

Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các bậc cha mẹ luôn tỏ ra lo lắng khi con tiếp xúc quá sớm với các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… Những tác hại khi trẻ xem điện thoại được nhắc đến khá nhiều lần dẫn tới việc trẻ bị cha mẹ kiểm soát việc dùng điện thoại một cách hoàn toàn.

Việc sai lầm nhất mà cha mẹ thường làm đó chính là cấm con sử dụng các thiết bị công nghệ để học tập, giải trí và giao tiếp với bạn bè. Cha mẹ khôn ngoan hãy dạy con biết cách tránh xa vùng nguy hiểm trên internet. Đồng thời, nên kiểm soát thời gian sử dụng của con một cách hợp lý. Theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để biết cách cho con sử dụng điện thoại một cách bổ ích.

Chỉ rõ cho con trẻ thấy đâu là vùng nguy hiểm

Nếu trẻ đã tò mò thì dù có cấm ngặt trong nhà nhưng khi ra môi trường ngoài trẻ vẫn có nhiều cơ hội để bị thu hút bởi các thiết bị điện thoại, ipad… Nếu không quản được là cấm, đó là tư duy của sự bất lực.

Thậm chí, tôi đã từng gặp nhiều trường hợp, cho con sử dụng tùy tiện đến khi con trở nên phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại thì cha mẹ mới cuống cuồng làm đủ mọi cách để ngăn cấm và điều này sẽ không mang lại hiệu quả.

Cha mẹ thông minh, họ không cấm con chơi game, xem youtube, xem phim bậy bạ… vì tất cả với chúng là một thế giới mới lạ. Chúng chưa từng biết về nó. Mà bất cứ ai cũng tò mò muốn khám phá, huống chi là trẻ nhỏ.

Năng lượng của trẻ nhỏ rất lớn, không thể cấm đoán được. “Bịt nước đầu này, chúng cũng chảy đầu khác”. Cha mẹ thông minh hiểu rõ điều đó nên họ đồng hành và uốn nắn con theo những nguyên tắc linh hoạt.

Hãy chỉ cho trẻ thấy đâu là vùng nguy hiểm

Hãy kiểm soát thời gian sử dụng của con

Khi cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị cần quy định thời gian cụ thể. Điều này phụ thuộc vào thời gian, nhịp sinh học của mỗi gia đình. Tuy nhiên, người lớn nên căn thời gian cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị smartphone.

Tổng thời gian sử dụng theo khuyến cáo là không quá 2 tiếng mỗi ngày, không nên sử dụng liên tục, không cho trẻ nằm xem ti vi, điện thoại… Trẻ cần được xây dựng thói quen, trước khi sử dụng điện thoại, ipad… phải xin phép người lớn và phải được sự đồng ý của bố mẹ mới được sử dụng.

  • Thời gian tối đa cho một lần xem tivi hoặc điện thoại là 30 phút. Nhiều hơn sẽ ảnh hưởng đến não bộ.
  • Mỗi ngày có thể xem không quá 90 phút. Vậy chia làm 3 – 4 lần trong ngày.
  • Tránh xem trước khi đi ngủ. Vì mọi hình ảnh đó sẽ dễ thấm sâu vào trong não bộ.
  • Tránh xem vào buổi sáng. Buổi sáng là thời gian não hoạt động mạnh mẽ nhất. Nên dành thời gian buổi sáng cho đọc sách hoặc học tập.

Cha mẹ nên kiểm soát nội dung con xem

Nội dung xem là điều trăn trở nhất của cha mẹ. Với một xã hội có những thông tin phức tạp. “Vàng thau lẫn lộn” như hiện nay thì không biết đâu là tốt là xấu cho con. Vì vậy cần kiểm soát nội dung con xem

Nội dung xem là cũng là điều cha mẹ cần phải kiểm soát

  • Cha mẹ nhất định phải biết con xem cái gì, xem ai.
  • Cha mẹ phải tìm hiểu về những người đó, nội dung đó. Cha mẹ như những người kiểm duyệt và cho phép. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải đầu tư, phải dành thời gian, phải tham khảo thêm các trang mạng xã hội khác, tham khảo thêm chuyên gia nói gì về họ và nội dung của họ.
  • Đừng cấm đoán con một cách vô ý thức. Luôn trao đổi với con. Trong những tình huống 50/50 không biết nên hay không thì thỏa thuận với con thêm 1 hoặc 2 ngày để tham khảo thêm.
  • Thường xuyên trao đổi, nói chuyện với con về những nội dung và nhân vật con xem.
  • Cha mẹ cần đi vào thế giới của con để hiểu con.
  • Hãy lắng nghe và đặt câu hỏi cho con: “Con cảm thấy thế nào?”; “Họ là ai?”; “Hôm nay có gì hay?”… Cha mẹ sẽ thấy chúng sẽ kể cả một bầu trời thông tin chúng thu được.
  • Nguyên tắc tuyệt đối là không có một bí mật riêng tư nào cả.

Xây dựng nguyên tắc không có bí mật trong gia đình

Muốn con chia sẻ với cha mẹ thì cha mẹ cũng không có bất cứ một bí mật nào với con. Khi con hỏi những thông tin về cha mẹ thì bạn nhất định phải trả lời thật. Cho dù đó là công việc, chuyện tình cảm vợ chồng, mối quan hệ, tiền bạc… Hãy tạo một văn hóa không có gì là bí mật trong gia đình.

Các thông tin về giáo dục giới tính, tình yêu và tình dục, cha mẹ nhất định phải học hỏi và vô cùng cởi mở khi con hỏi. Đừng ngại. Nếu ngại nói, né tránh thì mạng xã hội là nơi chứa đầy thông tin lệch lạc trên nó. Con sẽ học sai, hiểu sai và làm sai. Rất nguy hiểm!

Khuyến khích con tham gia nhiều hơn vào các hoạt động

Cho trẻ chạy nhảy vận động càng nhiều càng tốt. Có thể chúng sẽ phá tung nhà của bạn. Hãy chấp nhận điều đó. Từ từ con sẽ gọn gàng hơn. Nếu không “phá” như vậy chúng sẽ không vui, mà khi không vui thì chúng lại đòi xem tivi hoặc điện thoại, chơi game.

Thay vì sử dụng điện thoại nên khuyến khích con tham gia các hoạt động ngoài trời

Hãy dành ít thời gian chơi đùa, hoạt động cùng con. Nhấn mạnh ở đây là vận động chứ không phải cùng xem tivi hoặc điện thoại với con. Cha mẹ có thể tạo các trò chơi trong nhà hoặc ngoài trời cùng con. Trẻ con chúng có nhiều năng lượng. Chúng nhất định phải sử dụng nếu không chúng sẽ dùng hết cho xem tivi và chơi game.

Nên tạo khoảng tĩnh lặng cho con

  • Tĩnh lặng là hoạt động đỉnh cao nhất trong bộ môn kỹ năng sống và phát triển bản thân.
  • Tĩnh lặng sẽ giúp phát triển não bộ, giúp con người bình an, giúp giảm stress, giúp hạnh phúc, giúp khỏe mạnh…
  • Tĩnh lặng là không làm gì hết. Có thể ngồi thiền, cho thể đi tới lui, có thể chạy bộ… nhưng không được nói chuyện, không đọc sách, không nghe nhạc…
  • Nếu con bạn đang mê game, mê xem tivi, nghiện điện thoại thì cần nhiều thời gian hơn để tạo ra những thói quen tuyệt vời trên.

Trẻ nhỏ rất thông minh và nhạy bén. Nếu cha mẹ không thích làm những điều trên thì chúng chắc chắn cũng không làm. Gia đình chứ không phải cá nhân. Một hành vi tích cực của bạn cũng ảnh hưởng toàn bộ gia đình bạn. Hãy suy ngẫm những nội dung trên và bắt đầu thực hiện trên chính bạn những ngày đầu tiên, sau đó hãy chia sẻ với chồng/vợ và con mình.