Bệnh hen ở trẻ – Biểu hiện của bệnh và cách phòng ngừa hiệu quả

Trẻ em với các chức năng cơ thể chưa hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu nên dễ dàng tái phát cơn hen khi thời tiết lạnh hoặc tiếp xúc với phấn hoa, lông động vật,… Có nhiều nguyên nhân gây bệnh hen ở trẻ, do yếu tố di truyền, dị ứng hoặc vi khuẩn đều khiến trẻ có thể mắc bệnh. Bệnh hen ở trẻ khi mắc rồi sẽ khó điều trị dứt điểm, nhưng nếu các bậc phụ huynh có biện pháp ngăn ngừa tình trạng bệnh tái phát trẻ sẽ có thể sinh hoạt và phát triển như người bình thường. Cùng tìm hiểu về bệnh hen ở trẻ và một số biện pháp nhận biết và phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Bệnh hen ở trẻ em là gì?

Hen là tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây co thắt cơ trơn phế quản, tăng tiết nhầy và phì đại các tuyến chế nhầy khiến cho đường thở hẹp lại. Do đường thở bị hẹp, nên người bệnh xuất hiện cơn khó thở nghe như có tiếng gió thổi qua khe cửa.

Yếu tố kích thích các đợt khởi phát hen ở trẻ em thường là do tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên như phấn hoa, lông thú, khói thuốc lá, hóa chất. Do nhiễm trùng không khí, do thay đổi thời tiết,…

Triệu chứng bệnh thường gặp

Trẻ ho tái đi tái lại

  • Trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần, đặc biệt là ho nhiều về đêm. Ho là một phản ứng của cơ thể giúp đẩy các chất bài tiết hoặc các dị nguyên như khói, bụi, phấn hoa,… ra ngoài. Ho là triệu chứng của nhiều bệnh viêm đường hô hấp khác nhau nhưng nếu tình trạng ho kéo dài, ho đặc biệt nhiều vào ban đêm thì có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn.
  • Đau tức ngực.
  • Tự nhiên lên cơn ho, thở khó kèm theo những tiếng rít lên như tiếng còi.
  • Việc thở ra còn khó hơn cả hít vào
  • Đập tay, chân vì thiếu không khí, giống như phản ứng của người bị ngạt thở.

Nguyên nhân gây ra bệnh

  • Do cơ địa: Một số người sinh ra đã có cơ địa bị hen.
  • Do di truyền: Nếu bố, mẹ, anh, chị bị hen thì con, em cũng dễ mắc bệnh hen.
  • Do dị ứng: Những người dễ dị ứng như dị ứng da, dị ứng mũi, dị ứng với một số mùi, một số vật chất trong không khí như phấn hoa, lông chó, lông mèo, một số thức ăn như cua, cá, một số thuốc như aspirin… cũng dễ bị hen.
  • Do tâm lý: Vì lúc nào cũng sợ lên cơn, nên cơ thể luôn sẵn sàng chống các dị ứng bằng cách sản xuất ra những kháng thể chống dị ứng.
  • Những loại virus thông thường như virus gây viêm mũi, họng, phế quản. Cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ lên cơn hen. Bởi vậy, phải đề phòng hoặc chữa trị ngay những chứng bệnh trên khi mới có triệu chứng.

Biện pháp phòng chống hen hiệu quả

Tránh các nguy cơ gây bệnh

Để tránh được các cơn hen kịch phát, bạn cần giúp trẻ tránh những yếu tố gây ra hen:

  • Bọc đệm trong nhà bằng chất liệu không gây bụi.
  • Không dùng thảm trong phòng ngủ.
  • Tránh phấn hoa, côn trùng bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài. Tránh trồng nhiều cây cối quanh nhà, đóng kín cửa phòng khi vào mùa phấn hoa phát triển.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với thú cưng.
  • Để hạ sốt giảm đau không cho trẻ dùng aspirin vì làm tăng cơn hen kịch phát.
  • Môi trường xung quanh cần tránh khói bụi và khói thuốc.
  • Có khoảng 9-10% trẻ em bị hen.
  • Nếu được điều trị, trẻ em có thể có cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Không bị hạn chế các hoạt động. Thậm chí lớn lên trẻ có thể trở thành vận động viên thể thao.

Tuy hen phế quản là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát tốt được. Phòng ngừa hen phế quản sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt, học tập và vui chơi bình thường.