Cách nhận biết và cấp cứu khi phát hiện người cao tuổi bị bệnh đột quỵ

Đột quỵ là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm, nó thường xảy ra một cách bất ngờ, đặc biệt là ở người lớn tuổi, nếu bệnh không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao. Ở nước ta, hàng năm ghi nhận hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó hơn 50% là tử vong, chỉ 10% có khả năng sống sót và có thể hồi phục hoàn toàn. Điều đáng lo ngại là bệnh đột quỵ đang có dấu hiệu trẻ hóa, thậm chí người 20 tuổi cũng có thể bị đột quỵ. Đối với người càng cao tuổi thì nguy cơ xảy ra đột quỵ càng lớn, vì vậy cần nắm rõ các dấu hiệu của bệnh và cách cấp cứu kịp thời xảy ra đột quỵ

Một số vấn đề cơ bản về đột quỵ

Đột quỵ xảy ra khi có hiện tượng chảy máu trong não, hoặc dòng máu bình thường tới não bị tắc nghẽn. Trong vòng vài phút bị mất nguồn dinh dưỡng thiết yếu, các tế bào não bắt đầu chết. Quá trình này có thể kéo dài liên tục trong nhiều giờ tiếp theo. Đây là một cấp cứu thực sự. Điều trị càng sớm, thì tổn thương càng được giảm thiểu. Đột qụy càng lâu được điều trị thì tổn thương và tàn tật càng nặng. Thành công của điều trị có thể tùy thuộc vào việc bạn được điều trị sớm đến mức nào.

Minh họa về bệnh đột quỵ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Gây ra bởi tắc nghẽn động mạch, chiếm khoảng 85% trường hợp đột quỵ. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng tránh hiệu quả nếu thực hiện tốt các biện pháp dự phòng.

  • Đột quỵ do huyết khối: Tắc nghẽn do hình thành các cục máu đông hoặc do mảng bám tích tụ trong động mạch ở cổ hoặc não.
  • Đột quỵ do tắc mạch: Các cục máu đông hình thành ở đâu đó trong cơ thể. Thường gặp nhất là tim. Sau đó, di chuyển đến não gây tắc nghẽn.

Đột quỵ do xuất huyết: Loại đột quỵ này gây ra bởi vết nứt trên bề mặt não hoặc động mạch não gây xuất huyết. Nguyên nhân có thể là do phình mạch, hệ thống mạch máu não bị dị dạng. Đột quỵ do xuất huyết chiếm khoảng 15% số ca đột quỵ. Thiếu máu não thoáng qua (TIA). Thường gọi là đột quỵ nhỏ bởi là những giai đoạn ngắn có triệu chứng của đột quỵ, kéo dài khoảng vài phút.

Những điều cần biết về cấp cứu khi xảy ra đột quỵ

Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ: Thời gian vàng được hiểu là thời gian tốt nhất để cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ. Nó có tỷ lệ phục hồi cao và biến chứng thấp nhất.

  • Từ 4 đến 5 giờ đối với nhồi máu não dùng thuốc tan máu đông.
  • Trong vòng 6 giờ đối với nhồi máu não can thiệp lấy huyết khối.

Dấu hiệu của đột quỵ

Hãy gọi cấp cứu ngay khi thấy nạn nhân có các dấu hiệu:

  • Yếu hoặc tê đột ngột ở mặt, tay hoặc chân ở một bên cơ thể.
  • Đột ngột bị nhìn mờ, nhìn lóa hoặc giảm thị lực, nhất là ở một mắt.
  • Đột ngột không nói được, diễn tả lời nói khó khăn, nói vô nghĩa, lẫn lộn hoặc không hiểu lời nói
  • Đau dầu đột ngột dữ dội, mà không rõ nguyên nhân
  • Choáng váng chóng mặt lảo đảo hoặc bị ngã đột ngột mà không rõ lý do
  • Rối loạn tri giác như tiếp xúc chậm chạp, ngủ gà.
  • Không tiêu tiểu tự chủ, hoặc bí tiểu hoàn toàn.

Hy vọng bài viết của chúng tôi đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích.